Thứ ba, 22/10/2024
31 C
Ho Chi Minh City
spot_img

Hành trình tìm chủ nhân cuốn sổ lưu lạc ở Mỹ

HÀ TĨNHNhận ảnh chụp cuốn sổ ghi tên một số thành viên trong gia đình anh Cao Xuan Tuat từ Peter Mathews, ông Trần Nhật Tân lặng người vì xúc động.

Ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh, kể việc tìm kiếm thông tin về người lính tên Cao Xuan Tuat trong cuốn nhật ký cựu binh Mỹ Peter Mathews lưu giữ giống như một cơ duyên. “Tôi cảm thấy như có gì đó thôi thúc mình tìm ra chủ nhân cuốn sổ”, ông nói.

10h50 ngày 30/1, ông Tân nhận điện thoại của phóng viên hỏi về động thái của tỉnh Hà Tĩnh sau khi một số báo dịch bài viết từ tờ North Jersey, nêu nội dung “Peter Mathews, cựu binh Mỹ 77 tuổi đang sống tại bang New Jersey giữ cuốn sổ ghi chép khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam, mong muốn tìm lại thân nhân của người có tên trong nhật ký là Cao Xuan Tuat ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh”.

Ông Tân liên hệ với lãnh đạo huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh cùng một số sở ban ngành của tỉnh Hà Tĩnh nhờ rà soát, xem có tên liệt sĩ hoặc cựu binh nào Cao Xuan Tuat hay không. Công an tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra dữ liệu dân cư từ năm 1921 đến nay, xác định không có ai tên là Cao Xuan Tuat. Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết có 36 liệt sĩ quê Kỳ Anh mang họ Cao, 9 liệt sĩ tên Tuất, trong đó một người họ Cao tên Tuất là Cao Văn Tuất ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, cùng quê nhưng khác tên đệm với Cao Xuan Tuat.

Ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Tĩnh kể về quá trình liên lạc với cựu binh Peter Mathews để tìm thông tin về người lính tên Cao Xuan Tuat trong sổ ghi chép. Ảnh: Đức Hùng

Ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hà Tĩnh, kể về quá trình liên lạc với cựu binh Peter Mathews để tìm thông tin về người lính tên Cao Xuan Tuat trong sổ ghi chép. Ảnh: Đức Hùng

Có lợi thế tiếng Anh, ông Tân tìm website, email của Peter Mathews cùng đường link bài viết về người tên Cao Xuan Tuat trên tờ North Jersey của tác giả Burrow Megan, với ý định sẽ liên lạc với nhân vật và phóng viên để cung cấp thông tin. Tuy nhiên, ông lấn cấn chưa gửi thư ngay vì nghĩ nếu hỏi trực tiếp sẽ đường đột, Peter Mathews và Burrow Megan có thể dè dặt.

“Sao mình không nhờ một người kết nối?”, ông Tân tự hỏi mình và nhớ tới giáo sư Shannon Gramse, đang công tác tại Đại học Alaska (Mỹ) – người từng tiếp xúc trong chuyến công tác ở Hà Tĩnh dịp Tết Dương lịch 2023. Ông Tân gửi email cho vị này nhờ liên hệ với cựu binh và phóng viên người Mỹ, bởi họ cùng quốc tịch sẽ hiểu nhau, dễ đặt vấn đề. “Điều lạ là giáo sư Shannon Gramse cũng quan tâm đến bài báo về sổ ghi chép có tên Cao Xuan Tuat nên nhận lời kết nối với Burrow Megan và Peter Mathews”, ông Tân kể.

Nhờ sự hỗ trợ của giáo sư Shannon Gramse, ông Tân viết thư cho Peter Mathews và Burrow Megan: “Chúng tôi rà soát rồi, họ Cao rất ít, liệt sĩ tên Cao Xuan Tuat không có, tuy nhiên có một liệt sĩ là Cao Văn Tuất. Khả năng Cao Văn Tuất đúng là người mà ông bà cần tìm. Tôi cần đầy đủ các trang trong sổ ghi chép, biết đâu có thông tin chính xác hơn”.

Burrow Megan ngoài gửi thêm dữ liệu còn phúc đáp: “Tôi đã nhận được thông tin, và chuyển cho cựu binh Peter Mathews để hai bên liên lạc với nhau”.

Peter Mathews đang đọc cuốn sổ ghi chép mà ông lưu giữ suốt 56 năm qua. Ảnh: Đặng Huyền

Peter Mathews đang xem cuốn sổ ghi chép lưu giữ suốt 56 năm qua. Ảnh: Đặng Huyền

Ngày 31/1, ông Tân nhiều lần liên hệ qua email với Peter Mathews. Tuy nhiên, cựu binh đã lớn tuổi, không sử dụng thành thạo máy tính. Việc gửi hình ảnh trang viết vì thế rất chậm, mỗi lần chỉ vài bức. Những lúc nhận được tư liệu gửi từ bên Mỹ về, ông Tân lưu lại cẩn thận, chuyển cho cơ quan chuyên môn tìm hiểu.

Hai người từ chỗ xa lạ trở nên như quen biết từ lâu, liên tục trao đổi qua thư điện tử. Đến 21h12 cùng ngày, ông Tân nhận được bức ảnh chụp một trang trong sổ, ghi rõ địa chỉ gia đình Cao Xuan Tuat ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, hòm thư 21222Gm, có bố (viết tắt là C) tên Cao Xuân Kế, mẹ Lê Thị Vỹ, chị là Diếu. “Đọc xong, tôi sởn gai ốc, lặng người vài chục giây vì thấy quá trùng khớp”, ông Tân chia sẻ.

Ông Tân gọi điện cho ông Hà Huy Mỳ, 63 tuổi, trú thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân – người đang lo hương khói cho liệt sĩ Cao Văn Tuất, hỏi về địa chỉ nhà, tên thành viên trong gia đình liệt sĩ Tuất. Ở đầu dây bên kia, ông Mỳ trả lời khớp với tên những người có trong sổ ghi chép của Cao Xuan Tuat. Tất cả thông tin sau đó được báo cáo lên lãnh đạo tỉnh cùng các huyện, sở ngành liên quan.

Ngày 1/2, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh đến nhà ông Hà Huy Mỳ để xác minh. Tại đây, họ liên lạc với ông Nguyễn Tiến Huế, quê xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, đồng đội nhập ngũ cùng ngày với liệt sĩ Cao Văn Tuất, gửi nhiều hình ảnh chụp sổ ghi chép cho cựu binh này xem.

Sau vài tiếng, ông Huế gọi điện cho ông Tân phản hồi: “Tôi đã xem rất kỹ, đó là nét chữ của cậu Tuất”. Ông Huế chia sẻ lớn lên với liệt sĩ Tuất nên hiểu tính yêu văn nghệ của bạn. Lúc đi bộ đội, thỉnh thoảng gặp nhau, anh Tuất thường cho xem những trang viết về thơ văn, nhạc họa nên ông Huế còn nhớ nét chữ.

Bức ảnh chụp một trang trong sổ, ghi rõ tên các thành viên trong gia đình Cao Xuan Tuat, giúp nhà chức trách sớm có cơ sở khẳng định giữa Cao Xuan Tuat và liệt sĩ Cao Văn Tuất là một người. Ảnh: Peter Mathews

Bức ảnh chụp một trang trong sổ, ghi rõ tên các thành viên trong gia đình Cao Xuan Tuat, giúp nhà chức trách sớm có cơ sở khẳng định giữa Cao Xuan Tuat và liệt sĩ Cao Văn Tuất là một người. Ảnh: Peter Mathews

Ông Tân sau đó gửi thư cho Peter Mathews: “Khả năng cao người tên Cao Xuan Tuat chính là liệt sĩ Cao Văn Tuất ở xã Kỳ Xuân”. Cựu binh hỏi dồn dập: “Biểu cảm gia đình họ thế nào, ông kể lại với”. Được trả lời “gia đình họ rất hạnh phúc và xúc động”, Peter Mathews khóc. Lúc đó là 4h sáng tại Mỹ.

Căn cứ vào dữ liệu trong sổ ghi chép, bản trích lục, hồ sơ lưu trữ, danh sách liệt sĩ cùng thông tin từ nhân chứng và thân nhân, nhà chức trách huyện Kỳ Anh xác định liệt sĩ Cao Xuan Tuat và liệt sĩ Cao Văn Tuất là một người.

Anh Tuất sinh năm 1942, con thứ hai trong gia đình ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân. Bố liệt sĩ là Cao Văn Kế, mẹ Lê Thị Vỹ (đã mất). Chị gái đầu Cao Thị Diếu, em gái thứ ba Cao Thị Nồng (đang sống tại thôn Cao Thắng, em gái út Cao Thị Nành (đã mất). Anh Tuất nhập ngũ năm 1963, tham gia các chiến trường từ miền Trung đến Tây Nguyên, hy sinh năm 1967, an táng tại một nghĩa trang ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Lãnh đạo cơ quan quân sự của Hà Tĩnh cho hay nhờ tài liệu mà ông Trần Nhật Tân cung cấp, cơ quan chuyên môn dễ tìm hiểu thông tin. Cán bộ lần theo trích lục của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc Phòng), sớm xác định được thông tin về liệt sĩ Cao Xuan Tuat trong sổ ghi chép với Cao Văn Tuất là trùng khớp, chỉ hơi “lăn tăn” về tên lót giữa Văn và Xuân. Tuy nhiên, điều này là bình thường, không ảnh hưởng đến kết quả xác minh, bởi trước kia hay bây giờ nhiều người có thói quen tự đặt tên lót khác với tên khai sinh.

Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã nhờ một nữ luật sư làm việc tại Mỹ đến nhà cựu binh Peter Mathews xin phép chụp lại toàn bộ sổ ghi chép. “Cuốn sổ có thể lưu giữ để làm tư liệu giáo dục truyền thống, góp phần xây dựng tình hữu nghị giữa Việt Nam và Mỹ”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh nói.

Peter Mathews chia sẻ với ông Tân “đang thực sự chờ đợi, muốn sang Việt Nam sớm để gặp gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất trao trả nhật ký”. Ông Tân phúc đáp nhà chức trách sẽ tạo điều kiện để cựu binh thực hiện mong muốn.

Đức Hùng

https://vnexpress.net/hanh-trinh-tim-chu-nhan-cuon-so-luu-lac-o-my-4567057.html

spot_img

Tin mới đăng

Bài liên quan

Bản tin Thời sự Tổng hợp cuối tuần ngày 13/10/2024

 DLHN- 13/10. Tỉnh Long An tổ chức Hội thảo...

Tiếp nhận gần 900 triệu đồng ủng hộ các tỉnh phía Bắc ảnh hưởng cơn bão số 3

Tác giả: UBMTTQ TPHCM | 11/10/2024 | Hoạt động mặt trận Thành...